Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân khi bị thu hồi đất nông nghiệp

Đất nước ngày càng phát triển, các dự án đầu tư được triển khai ngày càng nhiều phục vụ cho việc phát triển kinh tế đất nước cũng như của từng địa phương. Rất nhiều dự án phải tiến hành thu hồi đất nông nghiệp của các cá nhân, hộ gia đình. Việc thu hồi giải phóng mặt bằng ở một số nơi gặp không ít khó khăn, xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan.

Đại đa số người nông dân không hiểu biết pháp luật, đất nông nghiệp bị thu hồi là tư liệu sản xuất cộng thêm nhiều nơi cán bộ chính quyền địa phương và chủ đầu tư chưa thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, chính sách đầu tư, chính sách thu hồi đất của Nhà nước cho người dân cùng các nguyên nhân khác đã dẫn đến tình trạng một số dự án gặp phải sự phản đối, thậm chí chống đối của người dân.

Điều 170 của Luật đất đai năm 2013 quy định về Nghĩa vụ chung của người sử dụng đất:

“1. Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về độ sâu trong lòng đất và chiếu cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan;

 2.  Thực hiện kê khai đăng ký đất đai; làm đầy đủ thủ tục khi chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật;

 3.  Thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật;

 4. Thực hiện các biện pháp bảo vê đất;

 5. Tuân theo các quy định bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có liên quan;

 6. Tuân theo các quy định của pháp luật về tìm thấy vật trong lòng đất;

 7. Giao lại đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất, khi hết thời hạn sử dụng đất mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền gia hạn sử dụng.”

Như vậy, người sử dụng đất phải có nghĩa vụ giao lại đất khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có quyết định thu hồi đối với diện tích đất mình đang sử dụng. Khi bị thu hồi đất, tùy từng điều kiện cụ thể mà người bị thu hồi đất được hưởng các chính sách về hỗ trợ, bồi thường và tái định cư khác nhau. Điều 77 của Luật đất đai 2013 quy định về Bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân:

“1.  Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại theo quy định sau đây:

       a) Diện tích đất nông nghiệp được bồi thường bao gồm diện tích trong hạn mức theo quy định tại Điều 129, Điều 130 của Luật này và diện tích đất do được nhận thừa kế;

       b) Đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức quy định tại Điều 129 của Luật này thì không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại;

      c) Đối với diện tích đất nông nghiệp do nhận chuyển quyền sử dụng đất vượt hạn mức trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì việc bồi thường, hỗ trợ được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

2.   Đối với đất nông nghiệp đã sử dụng trước ngày 01 tháng 07 năm 2004 mà người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng không  có Giấy chứng nhận hoặc không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này thì được bồi thường đối với diện tích đất thực tế đang sử dụng, diện tích được bồi thường không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp quy định tại Điều 129 của Luật này.”

Căn cứ các quy định của Pháp luật, hộ gia đình, cá nhân khi có quyết định thu hồi đất nông nghiệp của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải có nghĩa vụ giao lại đất. Tùy từng trường hợp cụ thể, điều kiện của từng địa phương mà hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất sẽ được hỗ trợ, bồi thường cho phù hợp theo quy định của Pháp luật.

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline: 0904.68.03.83(Zalo/Viber)
Inbox fanpage